Tôn vinh OK_Computer

Xếp hạng

OK Computer được xứng tên trong rất nhiều danh sách album vĩ đại nhất. Rất nhiều nguồn đánh giá uy tín như NME, Melody Maker, Alternative Press[155], Spin[156], Pitchfork Media[157], Time[158], Metro Weekly[159]Slant[160] đều xếp album trong danh sách album xuất sắc nhất thập niên 1990 và của mọi thời đại. Năm 2003, album có được vị trí 163 trong danh sách "500 album vĩ đại nhất" của tạp chí Rolling Stone[161]. Những bài đánh giá tương tự từ BBC Music[162], The A.V. Club[163], Slant[164]Paste[165] đều dành cho album những nhận xét tích cực, trong khi Rolling Stone tặng album 5 sao tuyệt đối trong Rolling Stone Album Guide với bài viết bởi Rob Sheffield "Radiohead đã đạt tới đỉnh cao bị lãng quên bởi những Nirvana, Pearl Jam, U2, R.E.M. và nhiều người khác; tất cả người hâm mộ trên toàn thế giới đều ngưỡng mộ việc họ đã cố gắng hết sức khi mà gần như không ai còn thực sự để ý nữa."[166] Theo trang web thống kê Acclaimed Music, OK Computer có vị trí số 12 trong danh sách album nhạc rock được đánh giá cao nhất[167].

Nhiều nguồn đánh giá cho rằng album chưa thực sự xứng đáng với những lời ca ngợi, hoặc nhận xét rằng sự nghiệp của Radiohead đã ảnh hưởng tiêu cực tới thành công chung của album. Qua một bài điều tra từ đài BBC Radio 6 Music, OK Computer đứng vị trí số 6 trong số những album "được ca tụng thái quá nhất" thế giới[168]. Nhà báo David H. Green của The Daily Telegraph gọi đây là một kiểu "ca thán tự sướng", song vẫn giữ quan điểm rằng album là "minh chứng của thế kỷ 20 rằng rock vẫn sẽ là pháo đài kiên cố của những bình luận về âm nhạc quần chúng", chứ không phải danceâm nhạc điện tử[169]. Album cũng được xếp loại "Sacred Cows" của tạp chí NME cho "những album gây tranh cãi" mà cây viết Henry Yates bình luận "Không có một sự thách thức, tính hài hước chết chóc hay tia sáng lé loi nào đằng sau tấm bình phong, đơn giản đó là sự mềm mại và nỗi chán nản được trút bỏ" và đánh giá OK Computer như là "thời khắc mà Radiohead đã trở nên tuyệt hảo [so với The Bends] và bắt đầu trở nên "quan trọng"."[170] Tờ Spin thậm chí còn gọi ban nhạc là "huyền thoại" khi viết "Radiohead Can Do No Wrong"[gc 10] trong khi Chris Norris lập luận rằng OK Computer sẽ tạo tiền đề cho hàng loạt những kỳ vọng vào mỗi thành công sau này của Radiohead[171].

Bình luận và diễn giải

OK Computer thể hiện rõ thái độ chỉ trích và hoài nghi tới chính phủ mới của Thủ tướng Tony Blair

OK Computer được ra mắt ngay trước kỳ bỏ phiếu quốc hội tại Anh năm 1997 và 1 tháng trước chiến thắng của Đảng Lao động của ứng cử viên Tony Blair. Album vì thế được coi là cách bày tỏ thái độ bất đồng và hoài nghi tới chính phủ mới cũng như tới quan điểm lạc quan tại Anh lúc đó. Dorian Lynske viết "Ngày 1 tháng 5 năm 1997, những người ủng hộ Đảng Lao động cùng nhau cạn chén chúc mừng trong giai điệu của ca khúc "Things Can Only Get Better"[gc 11]. Chỉ vài tuần sau, OK Computer xuất hiện như bóng ma của Banquo[gc 12] để cảnh báo "No, things can only get worse"[gc 13]."[172] Theo Amy Britton, album "cho thấy mọi người chưa sẵn sàng để ủng hộ đảng cầm quyền, cho dù phải thừa nhận thứ cảm xúc mới mẻ trải rộng khắp nước Anh – những nỗi lo tiền thiên niên kỷ mới... những tổ chức lớn mà cộng đồng không thể chống lại – đó chính là thế giới mà OK Computer ghi lại chứ không phải làn sóng lạc quan của người dân Anh."[173]

Trong một bài phỏng vấn, Yorke lo ngại rằng quan điểm mới của Blair sẽ hoàn toàn đối lập với con đường của Đảng Bảo thủ từng dẫn dắt nước Anh suốt 2 thập niên trước. Anh cho rằng cái chết của Diana còn có nhiều ý nghĩa hơn, vào đúng lúc mà công chúng Anh nhận ra rằng "hoàng gia đã chi phối chúng ta bằng những viên đạn suốt hàng trăm năm qua, và giờ là truyền thông và cả chính quyền này"[39]. Việc ban nhạc cũng không mặn mà lắm cho việc quảng bá thương mại OK Computer nhấn mạnh thêm quan điểm chính trị chống lại chủ nghĩa tư bản, sau này được bộc lộ rất rõ rệt trong các sản phẩm kế tiếp[174].

Giới phân tích cho rằng quan điểm của Radiohead là hoàn toàn trái ngược với những ban nhạc rock trước đây. Nhà báo David Stubbs cho rằng, nếu như punk rock là phản ứng chống lại việc lãng phí thời gian cũng như sự nghèo khó thì OK Computer lại chống lại "sự tiện nghi vật chất" của thời kỳ quá tải và dư thừa[175]. Cây viết Alex Ross nói album "là hình ảnh công kích dữ dội Thời đại Công nghệ và sự lệ thuộc vào nó của tầng lớp trẻ tuổi", đồng thời đưa ban nhạc "thành thần tượng cho những người nhận thức được sự cách ly với xã hội — như Talking Heads hay R.E.M. đã từng trở thành trước đây"[49]. Jon Pareles từ tờ The New York Times tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa album này với những sản phẩm của Pink Floyd hay Madness thông qua những mối quan tâm của Radiohead "về văn hóa vô cảm và việc tạo nên những người lao động dễ bảo cũng như cổ vũ việc tự thân vận động và chống lại sự trầm cảm."[176]

Một số khác cho rằng âm thanh của album sẽ đại diện cho thiên niên kỷ mới[37][177], hoặc mang dự báo[178], cả lĩnh vực văn hóa lẫn chính trị. Theo cây bút Steven Hyder từ The A.V. Club trong bài viết "Whatever Happened to Alternative Nation", "Radiohead đã đi đầu ngọn sóng, tập trung vào sự cao ngạo, sự chi phối tới mất trí của truyền thông cũng như sự tồn tại hiển nhiên của cái chết bất thình lình như những đặc trưng của thế kỷ 21."[179] Trong cuốn 1000 Recordings to Hear Before You Die, Tom Moon viết về OK Computer là "một vùng đất tiên tri đau khổ với những mặt tối của công nghệ,... đồng hành với những nỗi ám ảnh kinh hãi và cả hình ảnh tiên đoán trước về một Big Brother liên quan tới những mối lo lắng thường trực về mức cảnh báo màu cam sau Sự kiện 11 tháng 9."[180] Chris Martin của ban nhạc Coldplay nhấn mạnh rằng "Thật lý thú nếu ta tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu Dick Cheney ngồi nghe OK Computer của Radiohead. Tôi nghĩ thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Album đó thực sự tuyệt vời. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi, vậy thì sao nó không thể thay đổi cuộc đời ông ấy?"[181]

Ảnh hưởng âm nhạc

"Rất nhiều người từng lắng nghe OK Computer và nói "Đây là thứ quy chuẩn. Nếu tôi có thể làm ra thứ gì tốt bằng một nửa, tôi nghĩ hẳn là tôi đã làm tốt rồi." Nhưng tôi chưa bao giờ được nghe một thứ hoàn toàn được bắt nguồn từ OK Computer – một thứ đầy mê hoặc như nó đã từng cho thấy rằng Radiohead thực tế đã hoàn thiện một thứ phức tạp hơn nhiều so với vẻ ngoài của nó."

– Josh Davis (DJ Shadow)[182]

"Toàn bộ âm thanh và trải nghiệm cảm xúc của nó đã vượt qua mọi giới hạn. Nó chạm tới rất nhiều thứ cảm xúc bị chôn vùi mà con người từ lâu đã không muốn khám phá hay nhắc tới nữa."

James Lavelle[156]

OK Computer ra đời cùng lúc với sự thoái trào của Britpop[gc 14]. Qua những ảnh hưởng của OK Computer, cách chơi guitar chủ đạo tại Anh đã trở thành "hoang tưởng kiểu Radiohead song lại thành thật, nhầy nhụa song đầy say mê"[183]. Rất nhiều nghệ sĩ trẻ ở Anh cũng bắt đầu đi theo xu thế và quan điểm tương tự. Một trong những ví dụ điển hình nhất chính là phong cách Post-Britpop mà ban nhạc Travis đã hợp tác cùng nhà sản xuất Godrich để tạo nên album The Man Who, trở thành album bán chạy thứ 4 trong năm 1999 tại đây[184]. Nhiều tờ báo ở Anh cho rằng Travis đã bắt chước âm thanh từ Radiohead[185]. Steven Hyden của A.V. Club viết vào năm 1998 về The Man Who rằng "những gì mà Radiohead đã tạo nên cùng OK Computer đã lớn hơn cả bản thân ban nhạc" và nhận định album đã ảnh hưởng "tới làn sóng những nghệ sĩ rock ballad ở Anh cực thịnh trong thập niên 2000"[179].

Nhiều đánh giá cho rằng sự nổi tiếng của OK Computer tạo tiền đề cho thế hệ alternative rock mới của Anh phát triển[gc 15], ngoài ra còn giúp cho vô số nghệ sĩ tìm ra được phong cách nghệ thuật mới mà album đem tới, trong đó có thể kể tới trưởng nhóm Michael Stipe của R.E.M., cựu thành viên của The Smiths Johnny Marr, DJ Shadow, cựu thành viên của Guns N' Roses Slash, Nicky Wire của Manic Street Preachers, trưởng nhóm Neil Hannon của The Divine Comedy[gc 16], chủ sở hữu nhãn đĩa Mo'Wax James Lavelle, cựu thành viên nhóm Depeche Mode Alan Wilder và nhạc sĩ Esa-Pekka Salonen[187]. Coldplay[181][188], Bloc Party [189]TV on the Radio[190] đều khẳng định quan điểm âm nhạc của họ bị ảnh hưởng lớn từ OK Computer, mà theo đó album đầu tay của TV on the Radio được mang tên OK Calculator như một lời tri ân đặc biệt[191]. Radiohead cũng nói rằng việc khắp nơi có "âm thanh giống chúng tôi" là một trong những lý do chính khiến họ thay đổi hoàn toàn phong cách trong album bước ngoặt của họ, Kid A[192].

Cho dù ảnh hưởng đặc biệt của OK Computer được thừa nhận rộng khắp, nhiều đánh giá tin rằng sự bi quan mang tính trải nghiệm của nó thì không bao hàm rộng tới vậy. Footman nói những nhóm nhạc "theo hiệu ứng Radiohead" thực sự "khao khát tính sáng tạo trong âm thanh [của OK Computer], chứ không chú trọng tới phần nội dung ca từ"[193]. David Cavanagh nhận xét rằng những ảnh hưởng chính yếu của OK Computer đã được bắt nguồn từ những giai điệu ballad trong The Bends. Ông viết "những sản phẩm hậu-OK Computer nổi tiếng sau này – như Urban Hymns của The Verve, Good Feeling của Travis, Word Gets Around của Stereophonics, Life thru a Lens của Robbie Williams – thực tế đều đã đóng cánh cửa sáng tạo đầy tính nghiên cứu mà OK Computer vừa mới mở ra."[17] John Harris cho rằng album là một trong "những điểm nhấn thoáng qua rằng nhạc rock Anh sẽ trở lại với con đường sáng tạo truyền thống" sau sự thoái trào của Britpop[194]. Ngoài việc nói rằng nhạc rock Anh sẽ phát triển "cùng nhau theo khuynh hướng thận trọng hơn", ông cũng cho rằng OK Computer sẽ chính là hạt nhân chủ đạo, và Radiohead sẽ trở thành "tiếng kêu lanh lảnh" góp phần lấp đầy những chỗ trống mà Britpop để lại[194].

OK Computer cũng góp phần làm hồi sinh hình ảnh của progressive rock cũng như cách xây dựng album chủ đề, ngoài ra cũng được nhiều ban nhạc hậu bối khen ngợi giúp khả năng của họ phát triển. Brandon Curtis từ nhóm The Secret Machines nói: "Những ca khúc như "Paranoid Android" đã trực tiếp thay đổi cách viết nhạc theo hướng thể nghiệm hơn. OK Computer trở nên đặc biệt quan trọng khi nó đem tới cách sáng tác và cấu trúc ca khúc hoàn toàn khác biệt."'[195]' Steven Wilson của ban nhạc Porcupine Tree cho rằng "Tôi không còn nghĩ rằng tham vọng là một từ ngữ cần phải né tránh nữa. Radiohead như là "Con ngựa thành Troia" theo nghĩa tôn trọng nhất tôi dành cho họ. Một ban nhạc đi lên từ phong trào indie rock truyền thống song lại phát triển ngoài tầm phủ sóng của cánh nhà báo, rồi tiến tới thực hiện – và trên hết – những sản phẩm tham vọng và thành công."[196] Tuy nhiên Radiohead lại phủ nhận tất cả những lời so sánh liên quan tới phong cách họ cũng như những nhận xét về sự thành công của album chủ đề[95]. Johnny Greenwood phản ứng lại tất cả những đánh giá trên khi nói "Tôi nghĩ một cái tiêu đề và việc thực hiện bằng máy tính qua giọng nói không thể tạo nên một album chủ đề. Tôi nghĩ đó là một quan điểm sai lầm."[95]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: OK_Computer http://www.capif.org.ar/Default.asp?CodOp=ESOP&CO=... http://austriancharts.at/showitem.asp?interpret=Ra... http://www.aria.com.au/pages/aria-charts-accredita... http://www.ultratop.be/nl/goud-platina/1997 http://www.ultratop.be/nl/showitem.asp?interpret=R... http://www.collectionscanada.gc.ca/rpm/028020-119.... http://hitparade.ch/showitem.asp?interpret=Radiohe... http://www.1000recordings.com/music/ok-computer/ http://www.allmusic.com/album/ok-computer-collecto... http://www.allmusic.com/album/ok-computer-r278014/...